Triển lãm đối thoại thư pháp và graffiti là kết quả của một dự án sáng tác và trưng bày về thư pháp kết hợp với graffiti với mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật. Đây là dịp để hai loại hình sáng tác này được đối thoại, đồng sáng tạo và đến gần hơn với công chúng, mang lại cho người xem những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ, tích cực, gần gũi đối với cả hai bộ môn.

Thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, một loại hình sáng tác có lịch sử lâu đời, đã được hình thành và phát triển tại khắp nơi trên thế giới. Graffiti là bộ môn nghệ thuật gắn liền với văn hóa đường phố ra đời vào khoảng những năm 1970. Graffiti là một từ bắt nguồn từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là viết. Sau này, trở thành từ “graffito” trong tiếng La tinh, có nghĩa là “hình vẽ trên tường”, tên gọi chung cho những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu cách trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn, sơn xịt hoặc đánh dấu bằng thứ vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng.

Triển lãm mở ra những khả năng tương tác, học hỏi một cách sáng tạo và không giới hạn giữa những người thực hành thư pháp và graffiti, một cuộc đối thoại thành công trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng. Tham gia sáng tác cho triển lãm có nhiều gương mặt trẻ quen thuộc đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ và graffiti, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Các tác giả đã mang đến triển lãm 39 tác phẩm của cả hai loại hình sáng tác thư pháp và graffiti, nội dung  xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước.

Triển lãm được tổ chức tại khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 26-8 đến hết ngày 30-9-2022.